M3 – Management – Ban lãnh đạo

kiến thức đầu tư chứng khoán

Phương pháp 4M của ngài Phil Town – chữ M thứ 3 Management ( Ban lãnh đạo )- Đọc vị ban lãnh đạo – Bạn đã sẵn sàng hiểu người khác chưa ?

Trước khi viết về chữ M thứ 3 này, mặc dù đã có đến 10 năm lăn lộn trên thị trường chứng khoán, tôi cũng tự hào là mình đã gặp khá nhiều ban lãnh đạo, nhưng thực sự để có thể đi đến một kết luận về bất cứ một ban lãnh đạo nào trong một khoảng thời gian ngắn đều là điều viễn tưởng.

Tôi còn nhớ câu nói “30 tuổi mới hiểu được bản thân, 40 tuổi mới hiểu được con người, 50 tuổi mới hiểu được cuộc sống”. Thế nên, nếu bạn muốn chỉ đọc vài trang sách của ngài Phil Town mà đánh giá chính xác được Ban Lãnh Đạo là điều không thể. Hãy đọc thật chậm cuốn sách, nghiền ngẫm nó thật chi tiết, tôi tin ra ngài Phil Town đã để lại những mảnh ghép thật tuyệt vời để chúng ta đi đến kết luận. Với mục đích cùng học hỏi, tôi cũng xin mạnh dạn chia sẻ cùng cộng đồng vài ý hiểu của bản thân về chữ M thứ 3.

Trước khi đến với ngài Phil Town, tôi muốn nhắc lại quan điểm của cụ Buffett một chút khi cụ cũng đã mô tả khá chi tiết 3 phẩm chất của một Ban Lãnh Đạo tốt đó là : tính Chính trực, thông minh, và tràn đầy năng lượng.

Quay lại cuốn sách Pay back Time ngài Phil Town cũng gần như đề cập đến những phẩm chất tương tự cụ Buffett nhưng dưới một lát cát hoàn toàn khác. Tôi cho rằng Ngài Phil Town đã giúp nhà đầu tư có một cách tiếp cận dễ dàng hơn thông qua các câu hỏi :

– Liệu ban lãnh đạo có hành động vì cổ đông? Khi có trong tay quyền lực được chia phần Lợi nhuận. Một Ban Lãnh Đạo tồi thường sẽ vơ vét phần nhiều về cho mình mà không quan tâm đến lợi ích cổ đông, đến lúc này du MOAT của doanh nghiệp có cao đến mấy tuy nhiên, với vai trò là cổ đông thấp cổ bé họng, bạn cũng chả thu được lợi gì từ hoạt động đang tốt lên của công ty cả.

– Liệu ban lãnh đạo có tập trung vào hoạt động cốt lõi? Công việc của 1 CEO chỉ gói gọn trong 3 việc là : Xây dựng chiến lược, Vận hành doanh nghiệp và tuyển dụng nhân sự. Nếu bạn thấy vị CEO của mình sử dụng phần lớn thời gian để làm việc khác như đánh bóng tên tuổi chẳng hạn thì bạn có thể nghi ngờ về tính Chính trực và thông minh của anh ta.

– Liệu ban lãnh đạo có tinh thần cầu tiến, đặt mục tiêu cao? Ở đây theo quan điểm của bản thân tôi, tôi tách ra làm 2 câu hỏi. Câu số 1 là Liệu ban lãnh đạo có luôn muốn cải tiến sản phẩm hay quy trình sản xuất không ? và Câu hỏi số 2 là Ban Lãnh đạo có muốn đặt mục tiêu kế hoạch cao hơn để luôn thách thức bản thân mình hay không ?. Việc thể hiện tinh thần cầu tiến là điều rất quan trọng vì nó sẽ đảm bảo cho doanh nghiệp luôn luôn tăng trưởng.

– Cuối cùng, “không có lửa sẽ không có khói.” Với mục tiêu kiểm chứng lại thông tin, và thu thập dữ liệu về ban lãnh đạo trong nhiều năm, chúng ta nên có bộ câu hỏi để sử dụng và theo như kinh nhiệm nhiều năm của tôi bộ câu hỏi nên tập trung vào các chủ thể như sau: Khách hàng- Nhà cung cấp – Nhân Viên – Đối thủ cạnh tranh. Nếu trong trường hợp có bất cứ một thông tin đồn không hay về Ban Lãnh Đạo, chúng ta có thể sử dụng ngay các dữ liệu trong quá khứ để xác nhận được thông tin.

Một ví dụ khá hay về việc gặp được trực tiếp ban lãnh đạo đó là tôi hay hỏi ban lãnh đạo 1 câu kiểu: ” Động lực từ đâu mà khiến cho Quý công ty đặt kế hoạch tham vọng đến thế “. Sau đó tôi sẽ sắp xếp theo thang điểm trả lời. Nếu câu trả lời vì Tiền là đánh giá thấp nhất. Câu trả lời được đánh giá cao nhất thường là Trách nhiệm với cổ đông và người lao động.

Một vài chia sẻ để xây dựng cộng đồng Take Profit ngày càng lớn mạnh và tạo ra nhiều giá trị cho các nhà đầu tư hơn nữa.

Tác giả: Nguyen Quang Dung – Team Take-Profit